Bần - ngoài cái tên nghe có vẻ nghèo khó ra còn có một tên gọi khác rất đài các: thủy liễu. Cây bần có nhiều công dụng không ngờ. Đất miền Tây quanh năm ngập ngụa phù sa. Những con sóng lớn xô bờ, khiến cho đất rã ra, làm bờ bị sạt lở. Để giữ đất, người ta trồng cây đước, cây bần trải dài hai bên bờ sông. Bần có rễ chính và nhiều rễ phụ. Rễ chính thuộc dạng rễ cọc, cắm sâu xuống lòng đất, giữ cho bần dáng đứng vững vàng. Rễ phụ nhô lên khỏi mặt đất, lan ra khắp nơi, giữ cho đất khỏi bị sạt lở. Hàng năm, bần trổ hoa vào khoảng tháng sáu đến tháng chín Âm lịch. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh mỗi ngày đi học bằng xuồng. Khi đi học về ngang qua đám bần, mùi thơm nức của trái bần chín kích thích khứu giác khiến tụi nhóc chúng tôi thèm thuồng. Rồi thì chúng tôi hò nhau cập xuồng vào bến, bỏ cặp sách trên bờ sông và leo lên cây bần hái trái. Bần có hai loại là bần ổi và bần dĩa. Trái bần xanh ăn có vị chua và hơi chát, lúc chín ửng thì vừa chua, vừa ngọt rất đặc trưng. Bần phải dùng với muối hột mới “đúng sách” và làm giảm độ chua, tăng thêm hương vị lạ. Trái bần cũng được chế biến thành món ăn. Bần nấu canh chua thì ngon đáo để. Vị chua của bần không như dấm, me, chanh, cơm mẻ mà nước lèo có vị đậm đà rất riêng.
Cây bần - Cây thủy liễu
Ngoài ra, người nhà quê còn dùng bần để kho cá đồng, xắt lát chấm mắm nêm hay dùng làm gỏi tai heo… Nói chung, dù dân dã, mộc mạc nhưng hương vị bần thì rất tuyệt. Trái bần cũng là món khoái khẩu của cá tra, cá bông lau. Khi trái chín rụng, lũ cá dưới sông chực chờ đớp ngay. Trái bần ngày nay không chỉ là món ăn của người nhà quê mà đã bước sang trang mới. Nhiều nhà hàng ở thành phố đã đưa trái bần vào thực đơn để phục vụ những thực khách xa quê khi muốn thưởng thức hương vị dân dã quê hương. Vì thế, bần đã trở thành món ăn đặc sản với người thị thành.
Theo Đặng Trung Thành (Báo Bà Rịa Vũng Tàu)